Cần chú ý khi mang song thai

Song thai là trường hợp đặc biệt của thai nghén và được cho là thai nghén có nguy cơ cao hơn gấp 2 - 3 lần so với bình thường. Bên cạnh những bệnh lý chung trong khi mang thai, người mẹ mang song thai còn có thể gặp một số bệnh lý đặc biệt như chuyển dạ khó và sinh non, nhiễm độc thai nghén, hội chứng thai đôi truyền máu cho nhau, tiền sản giật và tăng huyết áp… Do tính chất đặc biệt của thai nghén cũng như nguy cơ của nó khi mang song thai, việc khám thai và theo dõi trước sinh giữ vai trò rất quan trọng. Bài viết sau đây sẽ giúp các bạn cùng tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Hội chứng thai đôi truyền máu cho nhau

Hội chứng thai đôi truyền máu cho nhau gây nguy hiểm cho thai nhi nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ. Do có bất thường ở những mạch máu trong bánh nhau dẫn đến sự cung cấp máu không đều cho mỗi thai nhi. Ngoài ra, còn có thể do trong tiến trình phát triển của thai nghén, dây rốn của 2 thai xoắn vào nhau và gây chèn ép, làm giảm đi lưu lượng máu mang ôxy và chất dinh dưỡng đến một thai khiến thai không thể phát triển bình thường như thai kia; hoặc phần bánh nhau dành cho mỗi thai to nhỏ khác nhau cho nên mỗi thai nhận máu không đồng đều.song thai

Hội chứng thai đôi truyền máu cho nhau trong tiến trình phát triển của thai nghén, dây rốn của 2 thai xoắn vào nhau gây chèn ép, làm giảm lưu lượng máu mang ôxy và chất dinh dưỡng đến một thai, khiến 2 thai phát triển không cân đối.

Thời gian xảy ra sự truyền máu: sớm là trước 20 tuần và muộn nhất là sau 30 tuần. Còn thông thường xảy ra vào khoảng 24-27 tuần. Thông thường, người mẹ được thăm khám và chẩn đoán theo dõi tại các cơ sở y tế. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào siêu âm, 2 thai phát triển không cân đối. Tiến triển rất xấu nếu hội chứng truyền máu xuất hiện trước 28 tuần. Hậu quả cuối cùng của hội chứng truyền máu: Đẻ non do đa ối.

Chuyển dạ sớm và sinh non

Các bác sĩ sản khoa theo dõi hội chứng truyền máu (siêu âm và tiên lượng diễn biến của hội chứng xảy ra) để có thể phải đề nghị mổ lấy thai khẩn cấp (sinh sớm so với tuổi thai) để cứu cháu bé. Do đó, những người mẹ mang song thai dễ tăng nguy cơ chuyển dạ sớm và sinh non. Tỷ lệ chuyển dạ sớm cao gấp 2 lần so với những người mẹ mang một thai. Trọng lượng trẻ song thai thường nhẹ cân và phần lớn là non tháng cho nên chăm sóc trẻ sơ sinh chào đời của song thai phải được thực hiện tại cơ sở y tế và phải hết sức khẩn trương tránh bị hạ nhiệt độ do thai nhỏ (thiếu tháng, nhẹ cân). Những tiến bộ về công nghệ y học có thể hỗ trợ trẻ sinh non từ những ngày đầu tại cơ sở y tế.

Nhiễm độc thai nghén

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiễm độc thai nghén, song có thể là do cơ thể người mẹ mang song thai không thích ứng gánh nặng của thai nghén gây cản trở hoạt động của các cơ quan chức năng trong cơ thể. Dấu hiệu của nhiễm độc thai nghén là phù chân, nhất là những tháng cuối của thai kỳ. Nếu ấn ngón tay vào mắt cá chân rồi nhấc ra sẽ thấy xuất hiện dấu lõm của các ngón tay. Với những trường hợp phù nặng có thể gây phù toàn thân. Ngoài phù chân, người mẹ bị nhiễm độc thai nghén còn có hiện tượng tăng cân rất nhanh do cơ thể bị giữ nước. Với những thai phụ mang song thai được xác định là nhiễm độc thai nghén, cần được khám và điều trị kịp thời. Điều này giúp thai phụ tránh những biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tiền sản giật và sản giật, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.

Chuyển dạ của song thai

Song thai được gọi là một ca đẻ khó. Chuyển dạ của song thai thường kéo dài do tử cung quá to cho nên cơn co tử cung rất yếu, không có tác dụng làm mở cổ tử cung dẫn đến cổ tử cung mở chậm và chuyển dạ kéo dài khiến người mẹ mệt mỏi và có nhiều biến cố có thể xảy ra; hoặc do ngôi thai bất thường. Do nước ối nhiều, tử cung lại to hơn bình thường, thai thường nhỏ cho nên hay gặp ngôi thai bất thường như ngôi ngược, ngôi ngang hoặc 2 ngôi đầu chèn vào nhau không chúc vào tiểu khung... gây đẻ khó và cũng là yếu tố gây ra chuyển dạ kéo dài làm tăng nguy cơ cho thai và nguy cơ cho mẹ. Do đó, chỉ định mổ lấy thai - “đẻ can thiệp” trong song thai có xu hướng tăng cao; chưa kể mổ đẻ khi người mẹ mang song thai có nhiễm độc thai nghén hoặc một số biến chứng của song thai.

Và một số nguy cơ khác

Huyết áp là vấn đề gây phiền muộn với nhiều người mẹ mang song thai. Tăng huyết áp trong mang thai khi trị số huyết áp cao hơn 140/90, vì vậy, huyết áp cần được kiểm tra thường xuyên trong thai kỳ. Tăng huyết áp là một phần của tiền sản giật và thường kèm với nồng độ protein cao trong nước tiểu. Cứ 3 phụ nữ mang song thai thì có 1 người bị tiền sản giật, do đó cần được theo dõi sát vì dễ bị biến chứng nặng như suy thận, co giật...Bệnh tiểu đường phát triển ở người mẹ mang song thai tăng lên do tăng hormon vì có hơn một thai. Phụ nữ mang song thai có thể do tăng gánh nặng sinh lý dễ bị suy tim cấp, phù phổi cấp...

ThS. Lê Thị Hương

Phòng ngừa `nứt cổ gà` khi cho con bú

BS Thu Lan

Cho con bú đúng cách sẽ phòng tránh được bệnh “nứt cổ gà”. Ảnh: tư liệu
"Nứt cổ gà" là hiện tượng thường gặp ở vú của những bà mẹ đang cho con bú. Phần gần núm vú bị nứt ra một hoặc hai vết, tấy đỏ, đau nhức, thậm chí mưng mủ. Vì không thể cho con bú nên sữa ứ đọng ở hai bầu vú gây đau nhức khó chịu.

Nguyên nhân gây "nứt cổ gà"

Nguyên nhân chủ yếu là do bà mẹ cho bé bú không đúng cách: Bé không ngậm hết quầng vú mà chỉ mớm hời hợt vào núm vú, mỗi lần bé mút, núm vú bị kéo, giật mạnh, lâu ngày gây "nứt cổ gà". Mới đầu chỉ là một vết nứt nhỏ, nếu bà mẹ không chữa trị kịp thời, vết nứt sẽ lan dài quanh chân núm vú, gây đau đớn cho mẹ, và mất vệ sinh cho bé. Trầm trọng hơn, vết nứt có thể bị nhiễm trùng và mưng mủ. Trước tiên cần rửa sạch chỗ đau bằng nước muối loãng (nước ấm càng tốt). Sau đó lau khô và bôi thuốc. Một khi núm vú đã bị nứt, bạn nên khám và điều trị ngay và hạn chế cho bé bú kẻo vết thương ngày càng đứt rộng. Để tiếp tục duy trì nguồn sữa trong khi điều trị, bạn hãy vắt sữa thường xuyên vào đúng các cữ bú của bé và tiếp tục cho bé dùng sữa mẹ. Chỉ đến khi thực sự khỏi (vết thương đã kín miệng và lên da non) bạn mới nên cho bé bú lại và chú ý cho bú đúng cách.

Phòng "nứt cổ gà" như thế nào?

Cho con bú đúng cách, nếu em bé ngậm đầu vú đúng cách thì sẽ bú được nhiều sữa và không làm đau núm vú của mẹ. Bạn hãy kéo bé về phía ngực mình, và kích thích bé bằng cách dùng đầu vú cù vào môi dưới của bé. Bé sẽ há mồm như đang ngáp, lúc này mẹ phải kéo nhanh bé vào ngực mình, quan trọng là kéo bé về phía bầu vú chứ không phải là đưa bầu vú vào miệng của bé. Làm sao để:

- Bé ngậm vú tốt, dễ dàng. Miệng của bé mở rộng để ngậm toàn bộ phần quầng vú và đầu vú

- Lưng, tay và cả chân của mẹ phải có chỗ tựa chắc chắn.

- Cổ của bé cần phải duỗi thẳng hơi ngửa ra phía sau một chút. Người của bé áp sát vào người của mẹ (bụng tiếp xúc với bụng của mẹ). Đầu, vai, và người của bé phải làm thành một đường thẳng, bé có thể ngậm vú dễ dàng mà không cần phải ưỡn hoặc vặn người.

Núm vú không đòi hỏi phải có chế độ chăm sóc đặc biệt. Bạn chỉ cần nhớ tráng nước sạch sau mỗi lần tắm là đủ. Tránh để da bị khô, bị nẻ, chú ý không bôi xà phòng hoặc dùng dung dịch tiệt khuẩn trên vùng vú, việc này sẽ dẫn đến da bị khô và làm nứt núm vú. Càng hạn chế mặc áo lót càng tốt. Điều này rất quan trọng vì núm vú được tiếp xúc với không khí, hạn chế được sự phát triển của vi khuẩn.

Ngăn ngừa bệnh phụ khoa

Nếu như trước đây, đối tượng mắc bệnh phụ khoa chủ yếu là các phụ nữ đã có gia đình, thì nay tỷ lệ này đang gia tăng ở các thiếu nữ chưa từng quan hệ tình dục.

 

Ngay cả khi có những biểu hiện như: Ra nhiều khí hư bất thường, ngứa, rát âm hộ; khí hư có mùi hôi, màu sắc khác thường thì chỉ có một số bạn gái đi khám hoặc hỏi ý kiến mẹ hoặc chị gái, còn đa phần các em chỉ rửa bằng nước sạch, một số còn dùng xà bông để rửa vùng kín, một số lại tự thụt rửa sâu âm đạo khi không có chỉ định của thầy thuốc. .. Đó chính là nguyên nhân gây bệnh viêm nhiễm phụ khoa ở các em gái chưa quan hệ tình dục.

Hậu quả của bệnh viêm nhiễm phụ khoa

Chứng viêm nhiễm đường sinh dục có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, gây xáo trộn trong sinh hoạt cá nhân, với cảm giác nóng rát, khó chịu. Một số trường hợp do điều trị muộn hoặc không đúng cách sẽ để lại di chứng như: teo hẹp vòi trứng, gây vô sinh ... Với người đang mang thai có thể dẫn đến sẩy thai hoặc đẻ non.

Phòng và điều trị bệnh viêm nhiễm phụ khoa

Khác với các phụ nữ, việc điều trị bệnh viêm nhiễm phụ khoa ở những bạn gái chưa từng quan hệ tình dục thường gặp khó khăn trong việc đặt thuốc âm đạo, cũng như các thủ thuật khác. Bên cạnh đó, do tâm lý e ngại nên nhiều bạn gái không đi khám mà thường tự điều trị dẫn đến tình trạng viêm nhiễm càng nặng và dễ chuyển sang mạn tính. Do vậy khi gặp các dấu hiệu như: Ra nhiều khí hư bất thường; Ngứa, đau rát, có mụn lở loét ở vùng âm hộ - âm đạo... các bạn gái nên đến đi khám tại các cơ sở y tế.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại sản phẩm rửa phụ khoa, tuy nhiên các bạn gái nên đọc kỹ thành phần, tác dụng để lựa chọn cho mình một sản phẩm có thành phần tự nhiên an toàn, phù hợp.

a

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Vy, Chủ tịch hội Sản phụ khoa & Sinh đẻ có kế hoạch Việt Nam: "Thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh vùng kín là cách tốt nhất để phòng tránh bệnh viêm nhiễm phụ khoa".

- Tắm rửa thường xuyên (nhất là trong thời kỳ kinh nguyệt), vệ sinh âm hộ hàng ngày, lau khô bằng khăn sạch.

- Luôn luôn giữ cho bộ phận sinh dục ngoài khô, sạch, không sử dụng những dụng cụ, khăn, vật lạ đưa vào trong âm đạo để lau âm đạo, âm hộ vì bất cứ lý do nào.

- Tránh mặc quần chật, quần ẩm ướt, không nên mặc đồ lót bó sát, nên mặc quần lót chất liệu cotton, thay quần lót thường xuyên.

- Băng vệ sinh phải đảm bảo sạch, đủ thấm và còn thời gian sử dụng qui định 4-6 giờ phải thay một lần.

- Không nên dùng nước bẩn có chứa nhiều vi sinh vật, nước thải như nước ao hồ, kênh rạch để tắm rửa.

- Không nên dùng xà bông hay các chất tẩy rửa mạnh, chất kháng khuẩn để vệ sinh vùng kín.

- Không tự thụt rửa âm đạo khi không có chỉ định của bác sĩ điều trị.

a

Hà Anh

(Hà Anh)

Viêm âm đạo, chớ coi thường

m đạo là một cơ quan nằm cận kề với hệ bài tiết nên rất dễ bị viêm nhiễm, chỉ cần một chút bất cẩn trong việc giữ gìn vệ sinh hằng ngày là ngay lập tức chị em phải đối mặt với những nguy hại về sức khỏe. Viêm âm đạo tuy không phải là bệnh lý phụ khoa nguy hiểm nhất nhưng lại chiếm tỉ lệ cao nhất, nếu không được điều trị nó sẽ là nguyên nhân gây nên những bệnh lý khác như: viêm nội mạc tử cung, viêm vòi trứng, viêm vùng chậu, ung thư cổ tử cung, buồng trứng, đặc biệt ảnh hưởng tới thai nhi khi mang thai. Vì vậy chị em chớ coi thường, đừng cho bệnh phụ khoa là bệnh phụ mà không đi khám và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân do đâu?

Có nhiều loại mầm bệnh gây viêm âm đạo: vi khuẩn thông thường, vi khuẩn đặc hiệu như lậu, giang mai, nấm, trùng roi.

Viêm âm đạo do nấm và trùng roi: Tổ chức Y tế thế giới liệt bệnh nấm âm đạo và trùng roi (Trichomonas) là hai loại bệnh có thể lây truyền qua đường tình dục. Trùng roi Trichomonas có thể sinh sống trong hệ sinh dục của cả nam lẫn nữ; ở nam chủ yếu ở niệu đạo, bàng quang. Khi hệ sinh dục của nam giới bị nhiễm trùng roi Trichomonas sẽ không có bất cứ triệu chứng nào, có thể lây truyền cho nữ giới thông qua quan hệ tình dục.

Vệ sinh vùng kín sai cách: Sử dụng dung dịch vệ sinh hoặc vệ sinh vùng kín không sạch sẽ, thụt rửa vùng kín đều gây nên viêm âm đạo.

Sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi: Sử dụng thuốc kháng sinh thông qua việc uống hay tiêm sẽ khống chế lượng men trong âm đạo, phá vỡ sự cân bằng trong môi trường âm đạo, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn có hại xâm nhập và phát triển gây viêm nhiễm.

Viêm âm đạoKhám phụ khoa phát hiện bệnh.

Dấu hiệu nhận biết viêm âm đạo

Bình thường viêm âm đạo phát triển một cách âm thầm với những triệu chứng rất dễ dàng bỏ qua, tuy nhiên nếu thật sự chú ý đến những thay đổi ở vùng kín, chị em có thể nhận ra viêm âm đạo sẽ có những dấu hiệu như: Ra nhiều khí hư bất thường, đặc biệt khí hư ra nhiều hơn khi sắp tới chu kỳ kinh nguyệt; ngứa rát âm hộ, âm đạo ở những mức độ khác nhau, kèm theo đó là hiện tượng nóng rát; xuất hiện mùi hôi khó chịu, đặc biệt là sau khi quan hệ tình dục, mùi nặng hơn; người bệnh cảm thấy đau khi quan hệ tình dục, đau buốt khi đi tiểu...

Khi bị viêm âm đạo khám phụ khoa sẽ thấy: âm đạo, âm hộ đỏ có nhiều khí hư màu trắng chảy ra. Khi khám bằng mỏ vịt sẽ thấy niêm mạc âm đạo đỏ, rất dễ chảy máu và có lớp bựa trắng bao phủ như váng sữa; cổ tử cung viêm loét, đỏ, phù nề. Tuy nhiên tuỳ nguyên nhân gây bệnh sẽ có những triệu chứng đặc trưng. Chẳng hạn viêm âm đạo do nấm thường là Candida albicans, rất hay gặp và cũng rất dễ lây. Triệu chứng chính là ngứa âm đạo, khí hư thường rất ít. Soi khí hư có các sợi nấm. Nếu viêm âm đạo do trùng roi (Trichomonas) cũng rất hay lây. Triệu chứng phổ biến là khí hư ra nhiều và hôi, gây ngứa nhiều ở âm đạo và âm hộ. Chẩn đoán chính xác duy nhất bằng cách soi tươi khí hư thấy có trùng roi di động.

Những ảnh hưởng do viêm âm đạo

Ảnh hưởng đến việc mang thai: Môi trường pH ở âm đạo phù hợp cho hoạt động của tinh trùng. Nếu người bệnh bị viêm âm đạo nặng sẽ gây ra mất cân bằng độ pH ở âm đạo, không còn là môi trường sống của tinh trùng vì vậy làm giảm tỉ lệ thụ thai.

Ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi: Có rất nhiều phụ nữ trong thời kỳ mang thai bị viêm âm đạo. Điều này có thể ảnh hưởng nhất định đến thai nhi, hơn nữa trong quá trình sinh nở còn có thể lây truyền bệnh cho thai nhi, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, dễ gây sẩy thai, đẻ non.

Gây ra các bệnh viêm nhiễm khác: Viêm âm đạo nếu không kịp thời điều trị dễ dẫn đến các bệnh viêm nhiễm khác như: viêm đường tiết niệu, viêm vùng chậu, viêm niêm mạc tử cung. Bên cạnh đó, khi da hoặc niêm mạc trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp xúc với mầm bệnh dễ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục như: mụn rộp sinh dục, bệnh lậu, giang mai, nấm…Viêm âm đạo nếu không được điều trị thì những tổn thương mạn tính kéo dài nhiều năm tại âm đạo và cổ tử cung là điều kiện thuận lợi cho ung thư phát sinh và phát triển.

Ảnh hưởng đến sinh họat hàng ngày: Viêm âm đạo sẽ gây ra nhiều rắc rối, khó chịu đối với nữ giới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và công việc hàng ngày của người bệnh, ngoài ra còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tình dục của các cặp vợ chồng.

Điều trị đặc hiệu

Viêm âm đạo là bệnh thường gặp, dễ tái phát và do nhiều nguyên nhân khác nhau, do đó tuỳ nguyên nhân mà bác sĩ sẽ có chỉ định dùng thuốc đặc hiệu.

Xác định do nấm thì điều trị bằng đặt thuốc chống nấm nystatin vào sâu trong âm đạo. Nếu do trùng roi, thuốc điều trị chính là metronidazol đặt âm đạo. Nếu viêm do lậu hay giang mai thì cần khám chữa ở chuyên khoa da liễu, kết hợp điều trị tại chỗ với điều trị toàn thân.

Phòng bệnh viêm âm đạo không khó

Nhiều chị em cho biết, họ không hiểu vì sao mình lại mắc bệnh viêm âm đạo mặc dù đã vệ sinh vùng kín sạch sẽ, kỹ lưỡng. Đôi khi bệnh đã được điều trị nhưng lại thường xuyên tái phát nhiều lần gây nên những phiền toái. Để phòng tránh chị em cần lưu ý:

Vệ sinh “vùng kín” sạch sẽ: Chị em nên vệ sinh “vùng kín” hàng ngày, đặc biệt là trước và sau quan hệ tình dục, trong chu kỳ kinh nguyệt. Không nên sử dụng nước xà bông hay chất tẩy rửa mạnh trong vệ sinh vùng kín. Tránh thụt rửa âm đạo nhiều vì sẽ gây rối loạn khuẩn âm đạo, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập lên tử cung và phần phụ; tránh mặc trang phục quá chật (nên dùng quần lót bằng vải cotton để vùng kín được thoáng mát, thường xuyên thay quần lót). Sau khi đi đại tiện nên lau chùi từ phía trước ra sau để tránh đem vi trùng từ phân vào âm đạo.

Thực hiện tình dục an toàn: Sử dụng bao cao su cho mỗi lần quan hệ tình dục, sống chung thuỷ một vợ một chồng để phòng tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Khám phụ khoa định kỳ hàng năm nhằm phát hiện và can thiệp sớm khi bệnh mới mắc.

Tóm lại, để không phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm mà bệnh gây ra, khi thấy xuất hiện những dấu hiệu của bệnh chị em cần đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc điều trị không đúng bệnh hay tái phát và dai dẳng dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

Ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, sự hiểu biết về sức khỏe phụ nữ còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ viêm âm đạo - cổ tử cung lên tới gần 80%. Mặc dù là bệnh thường gặp và còn để lại những hậu quả rất xấu cho người bệnh như: viêm nội mạc tử cung, viêm phần phụ, chửa ngoài tử cung, vô sinh, ung thư cổ tử cung... nhưng lại không được chú ý một cách đúng mức. Rất nhiều chị em phụ nữ không thực hiện khám phụ khoa định kỳ, trong khi những dấu hiệu ban đầu của bệnh viêm âm đạo chị em lại không nhận ra, đến lúc phát hiện ra thì tình trạng bệnh đã trở nặng. Điều cần nhớ bản thân viêm âm đạo không được xếp vào nhóm các bệnh lây truyền qua đường tình dục nhưng một số nguyên nhân gây viêm âm đạo lại có thể truyền từ nữ giới sang nam giới, khu trú ra khỏi cơ quan sinh dục của nam giới và sau đó truyền ngược trở lại cơ quan sinh dục của nữ qua hoạt động tình dục. Vì vậy bạn cần điều trị cả cho bạn tình /chồng vì các nguyên nhân gây viêm âm đạo có thể sinh sống tại đường sinh dục của bạn tình /chồng và sẽ gây tái nhiễm cho nữ giới khi sinh hoạt tình dục, điều đó lý giải vì sao viêm âm đạo hay tái phát khi đã được điều trị khỏi. Trong thời gian đặt thuốc, không nên có quan hệ vợ chồng. Nếu không giữ được thì nên sử dụng bao cao su.

BS. Phạm Minh Nguyệt

Lần đầu tiên ghi được hình ảnh trứng rụng

Các nhà khoa học đã chụp được cận cảnh hình ảnh một quả trứng người rụng ra khỏi buồng trứng, hoàn toàn tình cờ trong một cuộc phẫu thuật thông thường.

   Sự rụng trứng diễn ra trong mô của buồng trứng.    Quá trình được ghi lại chi tiết lần đầu tiên.
Thông thường phụ nữ rụng một quả trứng mỗi tháng, nhưng đến nay, người ta mới ghi lại được chi tiết quá trình này trên động vật. Và bác sĩ phụ khoa Jacques Donnez tại Đại học Catholic ở Louvain, Bỉ, là người đầu tiên chứng kiến được quá trình này trong một cuộc phẫu thuật cắt bỏ dạ con trên một phụ nữ người Bỉ 45 tuổi.

Trứng người được tạo ra từ nang. Đó là những bao chứa đầy chất lỏng ở trong buồng trứng. Khi đến thời điểm rụng trứng, nang này sẽ lồi lên một cục màu đỏ sẫm. Quả trứng sẽ chui ra từ đây, bị bao phủ bởi một lớp chất dẻo chứa tế bào.

   Quả trứng chui ra từ một nang trong buồng trứng.   Sau khi chui ra, nó sẽ đi xuống ống dẫn trứng để chờ thụ tinh.
Ở người, mỗi quả trứng chỉ to bằng một dấu chấm, còn toàn bộ buồng trứng chỉ dài khoảng 5 cm.

Tiến sĩ Donnez cho biết các bức ảnh này có thể giúp các nhà khoa học hiểu thêm được về cơ chế rụng trứng. Trước đó, một số giả thuyết cho rằng quá trình diễn ra một cách bùng nổ, nhưng theo những gì ông được chứng kiến, thì toàn bộ sự kiện diễn ra trong vòng 15 phút.

"Thật thú vị khi nhìn được hình ảnh trứng rụng, để nhìn thấy nó trong đời thực thật là một trường hợp vô cùng hiếm", giáo sư Alan McNeilly tại Ủy ban sinh sản con người ở Edinburgh, Anh, nhận định. "Nó chính là một khâu chủ chốt trong cả quá trình, một khởi đầu của sự sống theo một cách nào đó".

Theo M.T (VnExpress)

Giá trị kinh tế của sữa mẹ

 Nuôi con bằng sữa mẹ vừa kinh tế, bảo đảm dinh dưỡng, vừa phòng tránh được một số bệnh mạn tính cho trẻ. Ảnh: Kiên Giang
Sữa mẹ là nguồn thực phẩm quý giá, tinh túy. Như một món quà của tạo hóa, cơ thể người mẹ đã tinh lọc để trao tặng cho đứa con. Sữa mẹ (SM) là thiêng liêng, vô giá, bởi vậy, việc tính toán và quy đổi thành tiền cho mỗi lít sữa mẹ hay mỗi bữa bú có gì đó không phù hợp. Thế nhưng gần đây, tại hội nghị tư vấn chuyên môn của các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương về các biện pháp tăng cường nuôi con bằng SM (10/2007), lần đầu tiên, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới và UNICEF khuyến cáo đưa ý nghĩa kinh tế của SM lên các diễn đàn vận động xã hội. Lý do quan trọng là bởi ý nghĩa sức khỏe cộng đồng của việc cho con bú và bằng chứng về ý nghĩa kinh tế lớn lao của SM, kể cả khi SM được nhìn dưới góc nhìn của một thương phẩm. Mặt khác, vận động là để toàn xã hội thấy và trân trọng SM, thấy được vị thế đặc biệt của người phụ nữ trong thiên chức tạo dựng và sử dụng nguồn sữa của mình để nuôi con, từ đó hỗ trợ các bà mẹ đang nuôi con bú. Việc hiển thị rõ giá trị kinh tế của sữa mẹ cũng giúp thuyết phục tốt hơn các nhà hoạch định chính sách cho sự đồng tình, ủng hộ và bảo vệ truyền thống nuôi con bằng SM, sử dụng hiệu quả nguồn “tài sản quốc gia” to lớn thiêng liêng này.

Để làm rõ giá trị kinh tế của SM, thông thường người ta tính tổng lượng sữa mà các bà mẹ đang nuôi con sản xuất được ở một quốc gia trong một năm (tính theo trọng lượng -kg, hoặc lít) dựa trên số lượng các bà mẹ đang nuôi con nhỏ và dựa trên lượng sữa trung bình mà một trẻ có thể bú trong một ngày. Ví dụ: ở Úc (với khoảng 250.000 trẻ sinh/năm), khoảng 33 triệu kg sữa mẹ được sản xuất/năm. Ở Philippin (khoảng 2 triệu trẻ sinh/năm), lượng SM sản xuất ra có thể cao gấp 10 lần so với ở Úc. Làm phép tính nhân cho giá trị thương mại của một lít sữa mẹ đang được trao đổi mua, bán trên thị trường thực tế, sẽ ra giá trị tiền của tổng lượng SM.

Giá của SM là bao nhiêu trên thị trường hiện nay? Xin cung cấp một vài con số mà các chuyên gia đã cung cấp trong hội nghị tư vấn kể trên. Ở thị trường châu u, một lít SM có giá khoảng 50 USD. Ở Mỹ, các bệnh viện phải mua SM để nuôi các trẻ sơ sinh non tháng với giá khoảng 65 USD/lít. Cũng ở Mỹ, giá thuê người cho bú (vú em) cho một em bé khoảng 1000 USD/tuần. Với Việt Nam, các thông tin trên có vẻ lạ, nhưng chúng không còn là lạ với nhiều nước trên thế giới. Những thông tin này rất thường được tìm thấy trên mạng internet. Với cách tính toán như vậy, SM có giá trị khoảng 2 tỷ đô (Úc)/năm ở nước Úc; và khoảng 44 tỷ đô (Úc)/năm ở Philippin. Ở một số nước như Na Uy, SM chính thức được đặt trong danh mục thống kê các sản phẩm sản xuất được của quốc gia!

Trong một ước tính của nhóm công tác gồm các chuyên viên của Viện Dinh dưỡng - Bộ Y tế, Tổng cục thống kê năm 2006 với hỗ trợ của UNICEF Việt Nam, tổng giá trị sữa mẹ của các bà mẹ Việt Nam ước tính khoảng 549 triệu USD/năm! Rất tiếc là khoảng một nửa trong số đó đã bị mất đi do nuôi con bằng sữa mẹ không đúng cách. Ví dụ không cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn thức ăn thay thế, cai sữa sớm...

Một cách nữa giúp nhận ra giá trị kinh tế của SM, đó là ước tính các chi phí gia tăng mà xã hội phải gánh để chữa trị các bệnh mạn tính đang có xu hướng phát sinh nhiều hơn. Tính toán năm 2001 ở Úc, cho thấy nước này phải chi phí khoảng 3 triệu đô la (Úc) cho các bệnh mạn tính như tim mạch, cao huyết áp, béo phì, bệnh tiểu đường, và các bệnh nhiễm trùng hô hấp... mà các bệnh này nguy cơ mắc có thể giảm bớt từ 9-24% nếu những tháng đầu của thời thơ ấu, mọi người đều được nuôi bằng SM!

Ở Việt Nam, các chuyên gia cũng ước tính khoảng 10 triệu USD/năm bị mất đi do chi phí gia tăng cho các loại ốm đau bệnh tật ở trẻ do không được nuôi bằng SM.

Giá trị kinh tế của SM cũng dễ nhận thấy bởi chính từng bà mẹ thông qua các chi phí hằng tháng mà họ phải dùng để mua sữa hộp thay vì nuôi con bằng SM. Chi phí này ở Úc khoảng 100-200 triệu đô (Úc) mỗi năm. Ở Philippin, để nuôi một trẻ ăn nhân tạo trong một tháng, bình quân phải tốn đến 4,000 pe-so/tháng (tương đương 106 đô Úc), chiếm khoảng từ 30-40% của thu nhập của gia đình bình thường. Không nuôi con bằng SM, chi phí mua sữa cho trẻ ăn tiêu tốn của nước này khoảng 465 triệu đô (Úc) mỗi năm.

SM & nuôi con bằng SM rõ ràng không rẻ vì bà mẹ cần được gia đình và xã hội chăm sóc về ăn uống, nghỉ ngơi, tình cảm và thời gian để thực hiện việc cho con bú mẹ thành công theo đúng nghĩa của từ này. Nhưng nuôi con bằng SM là an toàn, là cách nuôi chuẩn mực nhất vì sức khỏe và sự phát triển của mỗi đứa trẻ trong tuổi bé thơ, và kể cả sức khỏe trong tuổi trưởng thành của bé mai sau.

Quang Minh

Khắc phục một số trục trặc thường gặp sau sinh

Sau khi sinh, thông thường thời gian nằm viện của các bà mẹ khoảng 1-2 ngày, việc theo dõi sức khỏe tại nhà là rất cần thiết. Bài viết dưới đây nhằm cung cấp cho bạn đọc các dấu hiệu cơ bản hay gặp sau sinh để được xử trí kịp thời, tránh những biến chứng không mong muốn.

Bí tiểu tiện:

Sản phụ có cảm giác buồn tiểu nhưng không tiểu được, sản phụ khó tiểu tiện vì thành trước âm đạo bị thay đổi hoặc bị chấn thương làm niệu đạo bị gấp hay cơ cổ bàng quang bị đóng chặt. Triệu chứng bụng dưới to, đau do bàng quang đầy và đau. Gặp tình huống này bạn nên trao đổi với bác sĩ điều trị để được thông tiểu và làm sạch bàng quang.

Tử cung co chậm và bế sản dịch:

Sau khi sinh tử cung co lại không còn sờ nắn thấy tử cung ở trên bụng nữa. Thường trong 10 ngày đầu sau khi sinh, tử cung co hồi tốt nhằm tống sản dịch ra ngoài. Khi tử cung co chậm, sản dịch sẽ bị ứ đọng trong tử cung, triệu chứng đau bụng dưới, sản dịch hôi và sốt sẽ gây nhiễm trùng tử cung, viêm dạ con. Viêm dạ con nếu không điều trị kịp thời bệnh chuyển biến thành thể nặng rất nhanh. Các bà mẹ cần vận động sớm (đi lại nhẹ nhàng...) để tử cung co hồi tốt.

Nhiễm trùng đường tiểu là một trong những dấu hiệu thường gặp sau sinh.

Sản giật sau đẻ:

Sản giật sau đẻ có thể xảy ra vài giờ sau đẻ nhưng cũng có khi muộn, nhiều ngày sau đẻ, với các biểu hiện giật, đau đầu, mờ mắt, huyết áp cao trên 140/90mmHg, tiểu tiện ít, phù 2 chi dưới... Biến chứng đáng lo ngại nhất là xuất huyết não, tổn thương thận gây bệnh thận mạn tính.

Đau vùng tầng sinh môn

Trong vài ngày đầu, sản phụ cảm thấy khó chịu và khó khăn khi di chuyển, đi lại do tầng sinh môn bị chấn thương hoặc bị cắt nới khi đẻ, mặt khác, tầng sinh môn rất dễ bị nhiễm khuẩn, khi thấy đau tức, cảm giác phù nề, bứt rứt, có dịch mủ... thì nên đến bệnh viện để được xử trí kịp thời.

Táo bón sau sinh

Sau khi sinh, cơ thể mệt mỏi, ngại vận động đi lại, làm cho nhu động ruột giảm có thể gây ra táo bón và nhiều nguyên nhân khác như do dùng thuốc, do ăn uống... Táo bón sau sinh có thể xuất hiện ngay sau khi sinh nở và kéo dài từ vài tuần cho đến vài tháng với triệu chứng bụng đầy trướng, hậu môn đau rát, dễ phát sinh bệnh trĩ... gây khó chịu cho người mẹ và ảnh hưởng đến ăn uống và tiết sữa. Nếu táo bón kéo dài bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và dùng thuốc.

Tắc tia sữa và áp-xe vú

Vài ngày sau khi sinh vú cương to vì đã tiết sữa đầy đủ. Vú nóng, nặng, căng tức. Dấu hiệu này rất hay gặp. Sữa trong vú nếu không ra ngoài được do tia sữa bị tắc nghẽn, do viêm đầu vú hoặc nứt kẽ đầu vú dẫn đến viêm tuyến sữa, viêm ống dẫn sữa và áp-xe vú. Khi phát hiện bị tắc tia sữa thì phải chườm nóng, xoa bóp, vắt hết chỗ sữa bị tắc cho đến khi thông. Viêm ở vú có dấu hiệu sốt, sưng đỏ, đau, rạn nứt đầu vú... thì bạn đến cơ sở y tế để khám và xử trí kịp thời.

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu

Do cổ bàng quang bị tổn thương trong khi đẻ hoặc do vệ sinh bộ phận sinh dục sau đẻ không đúng cách, không sạch sẽ hoặc tổn thương đường tiết niệu, dò bàng quang âm đạo dẫn đến chứng tiểu buốt, tiểu dắt, rối loạn tiểu tiện, nước tiểu dầm dề... Tổn thương này thường tạm thời và không kéo dài. Bạn cần theo dõi và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Hoa mắt, chóng mặt sau đẻ:

Sản phụ sau khi sinh do mất máu, mất sức nhiều, thể lực giảm có triệu chứng hoa mắt, chóng mặt. Vì vậy các bà mẹ sau đẻ không nên kiêng khem, ăn uống và nghỉ ngơi khoa học, hợp lý, vận động phù hợp. Có thể dùng thêm các vitamin tổng hợp để cơ thể nhanh chóng hồi phục theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc.

ThS. Lê Thị Hương